MÂM QUẢ CƯỚI , TRÁP CƯỚI LÀ GÌ ?

PHẢI CHUẨN BỊ SÍNH LỄ BAO NHIÊU TRONG MÂM

LÀ HỢP LÝ?

( Phần 1 )

 

 

            Trong một đám cưới truyền thống của người Việt, chuẩn bị một bộ mâm quả cưới để làm sính lễ là điều không thể thiếu trong cả Lễ Hỏi và Lễ Cưới. Một trong những sính lễ trọng nhất của một đám cưới được cả nhà trai và nhà gái rất xem trọng.

            Mâm quả cưới là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Ngoài lễ nghĩa và lễ vật thì đây còn là cách thể hiện sự tôn trọng của nhà trai và sự cảm ơn công ơn nuôi dưỡng cô dâu của nhà gái để đến thời điểm hiện tại họ được rước về làm dâu và thêm thành viên cho gia đình của mình. Nhà Hàng Tiệc Cưới Hoàng Kim Biên Hòa sẽ giúp hai bạn hiểu thêm chi tiết về mâm quả cưới để có thể chuẩn bị tươm tất, chu đáo trước khi đến dạm hỏi, chuẩn bị rước dâu tại nhà gái.

 

          1.  Mâm quả cưới là gì?

1.1 Ý nghĩa của việc trao mâm quả cưới?

1.2 Ý nghĩa đầu tiên của việc trao sính lễ cưới.

1.3 Ý nghĩa sâu xa của việc trao sính lễ cưới.

 

          2.  Trong mâm quả cưới hỏi có gì?

         3.  Có gì khác nhau giữa mâm quả 3 miền Bắc - Trung - Nam?

3.1 Mâm quả đám cưới miền Bắc.

3.2 Mâm quả đám cưới miền Trung.

3.3 Mâm quả đám cưới miền Nam.

3.4 Mâm quả đám cưới miền Tây.

 

         4.  Mâm quả đám hỏi có khác với mâm quả đám cưới?

        5.  Ý nghĩa của từng loại mâm quả trong đám hỏi, đám cưới?

5.1 Ý nghĩa mâm quả trầu cau ngày cưới.

5.2 Ý nghĩa mâm quả trà - rượu - đèn (nến) ngày cưới.

5.3 Ý nghĩa mâm quả trái cây ngày cưới.

5.4 Ý nghĩa mâm quả bánh phu thê ngày cưới.

5.5 Ý nghĩa mâm quả bánh cốm ngày cưới.

5.6 Ý nghĩa mâm quả bánh kem ngày cưới.

5.7 Ý nghĩa mâm quả xôi gấc (gà) ngày cưới.

5.8 Ý nghĩa mâm quả heo quay ngày cưới.

 

       6.  Mâm quả đám hỏi, đám cưới miền Bắc gồm những gì?

6.1 3 tráp ăn hỏi gồm những gì?

6.2 5 tráp ăn hỏi gồm những gì?

6.3 7 tráp ăn hỏi gồm những gì?

6.4 9 tráp ăn hỏi gồm những gì?

 

        7.  Mâm quả đám hỏi, đám cưới miền Nam gồm những gì?

7.1 4 mâm quả đám cưới, đám hỏi gồm những gì?

7.2 6 mâm quả đám cưới, đám hỏi gồm những gì?

7.3 8 mâm quả đám cưới, đám hỏi gồm những gì?

7.4 10 mâm quả đám cưới, đám hỏi gồm những gì?

 

       8.  Cách chuẩn bị mâm quả đám cưới người hoa đúng chuẩn?

 

       9.  Chi phí một bộ mâm quả cưới hỏi mắc hay rẻ?

9.1 Các chất liệu làm mâm quả

9.2 Mâm quả có các loại đường kính (kích thước) nào?

9.3 Mua, thuê mâm quả cưới ở đâu?

9.4 Mâm quả cưới hỏi có những màu nào?

 

       10. Có nên tự trang trí mâm quả cưới không?

10.1 Nên tự trang trí mâm quả cưới.

10.2 Không nên tự trang trí mâm quả cưới.

 

       11. Các dịch vụ đi kèm với mâm quả cưới?

11.1 Thuê người bưng quả cưới.

11.2 Thuê đồng phục bưng quả cưới.

11.3 Trái cây kết Long Phụng trưng bàn thờ gia tiên.

 

 

Mâm quả cưới là gì? Cách chuẩn bị mâm quả cưới hỏi đúng chuẩn?

 

Theo nhiều tư liệu thì mâm quả cưới có nguồn gốc từ Lễ Nạp Tài ( Đây là một trong sáu lễ cưới của người xưa). Một nghi lễ nhỏ hơn trong Lễ Rước Dâu của Nhà Trai. Để có thể hiểu thêm về Tiền Nạp Tài hay Tiền Đen cùng mình tham khảo thêm bài viết sau nhé !

Lễ Nạp Tài Là Gì ? Nên Chuẩn Bị Sính Lễ Bao Nhiêu Là Hợp Lý?

 

 

 

             Qua thời gian phong tục trao mâm quả cưới đã trở thành một nét đẹp truyền thống mang đậm văn hóa, bản sắc dân tộc Việt. Tuy nhiên, đối với thế hệ thanh niên lớn lên trong thế giới hiện đại vẫn còn mơ hồ về phong tục trao mâm quả cưới, nhiều bạn cũng không biết bên trong mâm quả cưới cụ thể gồm những lễ vật gì.

 

            Những băng khoăn của các bạn trẻ thường là: Lễ ăn hỏi cần chuẩn bị những gì, nên chuẩn bị bao nhiêu mâm là hợp lý, sính lễ trong mâm phải như thế nào, cách trình bày mâm hoa quả ra sao, mâm hoa quả và mâm ngũ quả đám cưới khác nhau ra sao. Mâm quả đám hỏi miền Nam gồm những gì, có khác với mâm lễ ăn hỏi miền Bắc không???

 

           Tất cả các câu hỏi trên là động lực để Nhà Hàng Tiệc Cưới Hoàng Kim Biên Hòa gửi đến hai bạn bài viết này. Huy vọng cung cấp thêm cho các bạn những thông tin bổ ích và kinh nghiệm chọn lựa mâm quả cưới hỏi theo đúng chuẩn phong tục vùng miền nơi hai bạn đang sinh sống...

 

          1.  Mâm quả cưới là gì?

                    Như thông tin ở trên cho chúng ta biết, mâm quả cưới hỏi bắt nguồn từ văn hóa truyền thống của người xưa, vốn xem trọng tục thách cưới. Trong truyện cổ tích Sơn Tinh, Thủy Tinh phải đáp ứng các yêu cầu về lễ vật của vua Hùng Vương thứ 18 mới được vua gả công chúa cho đây là minh chứng rõ ràng cho tục thách cưới.

 

                   Cũng theo tục thách cưới, nếu mà đàng trai muốn sang thưa chuyện với đàng gái về việc hứa hôn, cưới hỏi thì phải mang theo những món quà cưới hay còn gọi là sính lễ cưới. Mang theo sính lễ gì thì sẽ dựa theo yêu cầu của nhà gái đưa ra mà đáp ứng, các sính lễ cưới đó chính là mâm quả cưới của chúng ta ngày nay.

 

 

                  1.1 Ý nghĩa của việc trao mâm quả cưới?

                          Mâm quả cưới thể hiện nét đẹp truyền thống của người Việt từ xa xưa cho đến nay. Đây là cách để thể hiện sự kết nối hôn nhân giữa nhà trai và nhà gái. Đây là một hình thức mang tính tâm linh để báo cáo với tổ tiên, ông bà trong ngày lễ trọng đại của con cháu.

 

                          Mâm quả cưới thể hiện sự quan tâm, cảm ơn và trân trọng của nhà trai đến nhà gái. Đây cũng thể hiện cho lời thông báo cũng như xin phép được rước cô dâu về với gia đình nhà trai.

                         Mâm quả cưới còn là hình thức thể hiện ra bên ngoài để làm đẹp mặt, đẹp lòng cho gia đình trai gái hai bên với họ hàng và quan khách tham gia tiệc cưới. Nhà gái sẽ cảm nhận được tấm thịnh tình của nhà trai cũng như “nở mày nở mặt” vì công nuôi dưỡng con gái của mình.

                        Theo sự phát triển của thời gian, tục thách cưới hiện nay không còn nữa. Nhưng dù vậy, chúng ta vẫn giữ được nét đẹp văn hóa của việc trao sính lễ. Các món sính lễ bây giờ cũng đơn giản, dễ tìm mua, và cũng không quá đắt đỏ. Bạn cũng có thể tìm hiểu về chi phí cho một bộ mâm quả cưới mắc hay rẻ ngay trong bài viết này.

 

                 1.2 Ý nghĩa đầu tiên của việc trao sính lễ cưới

                         Ý nghĩa đầu tiên đó chính là thông điệp mà nhà trai trực tiếp muốn gửi đến bậc sinh thành của cô dâu. Trao sính lễ cưới để thể hiện sự chân thành, lòng biết ơn của nhà trai đối với cha mẹ của cô gái. Cảm ơn công sinh thành, dưỡng dục giúp cho cô gái trưởng thành, nên người để mà ngày hôm nay nhà trai đến đón người con gái ấy đi về làm dâu.

 

                1.3 Ý nghĩa sâu xa của việc trao sính lễ cưới

                        Đó là sự thông báo ngầm của nhà trai đối với nhà gái là cô gái khi về làm dâu sẽ được chồng và gia đình bên nâng niu, yêu chiều như là thời còn ở với cha mẹ. Thế nên việc trình bày mâm quả đẹp không chỉ là chuyện hình thức mà nội dung bên trong mâm quả phải thật là chu đáo, sính lễ càng trọng thì càng thể hiện rõ sự chân thành của nhà trai.

 

 

           2.  Trong mâm quả cưới hỏi có gì?

                   Các sính lễ thường có trong một bộ mâm quả, tráp cưới gồm: Trầu - cau, trà – rượu, mặn – ngọt. Những yếu tố này là được xem là biểu

trưng cho sự vẹn tròn, đầy đủ các gia vị, đầy đủ các cung bậc của đời sống. Đối với yếu tố trầu – cau và trà – rượu thì nó đã khá là rõ ràng, bởi tên gọi cũng chính là món sính lễ luôn.

                   Còn hai yếu tố mặn – ngọt thì sẽ mang đến cho bạn và gia đình rất nhiều sự lựa chọn. Ví dụ: xôi gà, heo quay, heo sữa quay, giò chả... được xem là những sính lễ mang yếu tố mặn. Hoặc trái cây, bánh kem, bánh phu thê, bánh cốm, bánh đậu xanh, bánh thuẫn... chính là những sính lễ có yếu tố ngọt trong đó.

                   Tùy theo từng vùng miền hai bạn sinh sống, hay phong tục của mỗi gia đình mà chúng ta có thể chọn lựa các sính lễ mâm quả cưới cho phù hợp nhất với những yếu tố gia vị này.

 

           3.  Có gì khác nhau giữa mâm quả 3 miền Bắc - Trung - Nam?

                  Nhìn chung mâm quả cưới của cả 3 miền Bắc – Trung – Nam khá là tương đồng với nhau. Tuy nhiên ở mỗi miền, theo phong tục riêng ở mỗi địa phương sẽ có một chút thay đổi tạo nên nét đặc trưng của từng miền. Ví dụ: Miền Nam, Miền Trung chọn số lượng mâm quả phải là số chẵn, nơi khác lại chọn mâm quả theo số lẻ. Cách sắp xếp mâm quả và các vật phẩm bên trong mâm quả cũng thay đổi dựa theo lễ vật đặc sản của từng vùng. Hai bạn trẻ hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết mâm quả của từng miền như thế nào nhé.

 

                   3.1 Mâm quả đám cưới miền Bắc

                           Cách bày mâm lễ ăn hỏi của người miền Bắc rất trang trọng và cầu kỳ, và được gọi là tráp cưới, tráp ăn hỏi thay vì mâm quả cưới. Các lễ vật trong bộ mâm quả cưới của người miền Bắc thường xếp lại thành tháp cao, trang trí xung quanh bởi ruy-băng, nơ và có khi là cả hoa tươi nữa.

                           Về số lượng, người miền Bắc khi tổ chức lễ ăn hỏi (hoặc lễ cưới) thì sẽ mang theo số tráp lẻ, nhưng vật phẩm bên trong tráp phải chẵn. Cụ thể có thể chọn là 3, 5, 7, 9 tráp và số lễ vật đựng bên trong tráp phải chẵn như: 2 gói chè, 2 chai rượu, 100 cái.

 

                  3.2 Mâm quả đám cưới miền Trung

                          Đặc điểm chung của người miền Trung là thích sự đơn giản và chân chất. Nhưng làm sao phải giữ được những lễ nghi truyền thống của con người vùng đất kinh kỳ, cố đô xưa. Vì vậy, mâm quả cưới của người miền Trung là sự kết hợp giữa phong cách phóng khoáng, tuy không quá cầu kỳ nhưng bên cạnh đó vẫn phải chỉn chu, đầy đủ.

                         Số mâm quả của người miền trung là số sẵn như 4, 6, 8... Trong đó bắt buộc phải có đủ 4 lễ vật như: trầu cau, chè rượu, bánh phu thê (su sê) và nến tơ hồng... Còn lại thì tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà chuẩn bị thêm. Các lễ vật trong mâm quả khác của người miền Trung có thể là bánh kem, nem chả, thuốc lá...

 

                 3.3 Mâm quả đám cưới miền Nam

                        Miền Nam là nơi hội tụ của nhiều người đến từ những vùng miền khác nhau, vì vậy phong tục cưới hỏi của người miền Nam còn tùy thuộc vào văn hóa của từng gia đình. Nhưng đối với người miền Nam gốc thì xem trọng sự có đôi, có cặp. Nghĩa là từ số lượng mâm quả, cho đến số lượng sính lễ trong mâm quả cưới của người miền Nam cũng đều là số chẵn... Không những vậy, cách chọn lựa lễ vật mâm quả còn phải kết hợp với cách đọc lái, nói lái nhằm mang đến những ý nghĩa hay, lời chúc tốt đẹp.

                       Ví dụ: Người miền Nam thường chọn mâm quả trầu cau đám cưới là 105 quả cau, hoặc 105 bánh su sẽ bởi theo cách đọc lái của người miền Nam là 100 là số, còn 5 có nghĩa là năm. Ý nghĩa của con số này chính là lời chúc cho đôi trẻ trăm năm hạnh phúc. Nếu như người miền Nam chọn mâm trầu cau đám cưới với 60 quả, 80 quả thì điều đó có nghĩa là cầu chúc cho hai vợ chồng có Sáu mươi năm cuộc đời hoặc Tám mươi năm cuộc đời sống bên nhau hạnh phúc, viên mãn.

                     Ngoài ra, tuy người miền Nam quan niệm mâm quả cưới phải là số chẵn như 4, 6, 8, 10 nhưng thường chọn bộ 6 mâm quả cưới nhất. Bởiđây là con số phù hợp cả về chi phí cũng như là độ trang trọng. Vừa đủ số lượng để không bị xem là quá sơ sài, và không quá nhiều để gọi là phô trương.

 

                  3.4 Mâm quả đám cưới miền Tây

                           Đi xa hơn về phía nam đó chính là vùng đất của người miền Tây Nam Bộ, hiền lành và chất phác. Mâm quả cưới của người miền Tây tương đồng với mâm quả của người miền Nam tuy nhiên về số lượng mâm quả cưới của người miền Tây thường là nhiều hơn. Có những gia đình khá giả, bộ sính lễ cưới hỏi có thể lên đến 16, 18, hoặc 20 mâm quả.

 

 

          4.  Mâm quả đám hỏi có khác với mâm quả đám cưới?

                  Nếu xét về nội dung của các sính lễ trong mâm quả đám hỏi và sính lễ trong mâm quả đám cưới là giống nhau. Nhưng về số lượng thì khác nhau, thường là sính lễ đám cưới sẽ nhiều hơn, cầu kỳ hơn còn sinh lễ đám hỏi thì đơn giản hơn, ít hơn.

                  Ví dụ: Nếu tổ chức lễ ăn hỏi, người miền Bắc chọn 3 tráp ăn hỏi, hoặc 5 tráp ăn hỏi thì đến khi tổ chức lễ cưới sẽ là 5 tráp đám cưới, hoặc 7 tráp đám cưới. Nếu tổ chức lễ đính hôn (lễ ăn hỏi), người miền Nam chọn 4 mâm quả đám hỏi, hoặc 6 mâm quả đám hỏi thì khi tổ chức lễ cưới sẽ là 6 mâm quả đám cưới, hoặc 8 mâm quả đám cưới. Lúc nào các lễ vật trong đám cưới cũng sẽ nhỉnh hơn một chút.

                  Điều này đi ngược với quan niệm cưới hỏi của người xưa. Bởi người xưa xem lễ đính hôn là đại đăng khoa còn lễ cưới là tiểu đăng khoa nên người xưa tổ chức lễ đính hôn còn long trọng, hoành tráng hơn lễ cưới. Ngày nay, việc chọn lựa bộ mâm quả đính hôn nhiều hơn bộ mâm quả đám cưới vẫn còn được áp dụng ở một số địa phương trong cả nước, đặc biệt là ở miền Tây.

 

          5. Ý nghĩa của từng loại mâm quả trong đám hỏi, đám cưới?

                 Từng một món sính lễ có trong mâm quả cưới của người Việt ta, tuy khác nhau về tên gọi, hình thức, màu sắc nhưng đều ngầm biểu đạt cho những ý nghĩa tốt đẹp thay cho những lời chúc phúc mang ước vọng về sự bình an, bền vững và hạnh phúc trong đời sống hôn nhân đến cho hai vợ chồng son.

 

                5.1 Ý nghĩa mâm quả trầu cau ngày cưới

                         Đối với đại đa số người Việt, hình ảnh miếng trầu đã trở nên hết sức quen thuộc và gần gũi thông qua rất nhiều câu truyện cổ tích mà chúng ta đã được nghe kể từ nhỏ như Trầu Cau, Tấm Cám... cũng như các câu ca dao tục ngữ.

“Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng.

Cau xanh ăn với trầu vàng xứng chăng?

Trầu vàng nhá lẫn cau xanh.

Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.”

                         Cũng như xuất phát từ tục lệ mời trầu, mà ăn trầu đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống không chỉ trong cưới hỏi, hay lễ hội mà còn rất phổ biến trong đời sống thường ngày của người dân. Với đặc tính trầu cay, cau nồng quyện với vôi trắng tạo thành màu đỏ son, màu của máu và trái tim nồng ẩm. Hình ảnh đó tượng trưng cho sự thủy chung, sắt son bền chặt của tình yêu và hôn nhân.

 

                        Miếng trầu không chỉ là đầu câu chuyện cho tất cả các cuộc gặp mặt, hội họp của người xưa, bao gồm cả lễ hỏi và lễ cưới mà sự quan trọng của mâm trầu cau ăn hỏi còn được thể hiện rõ nét hơn qua nghi lễ gia tiên dâng trầu cau lên tổ tiên.

                       Trong nghi lễ này cả hai sẽ cùng nhau bẻ đôi cau bằng tay không và đặt lên bàn thờ gia tiên trước sự chứng kiến của toàn thể họ hàng hai bên gia đình. Vì vậy, nhiệm vụ chuẩn bị một mâm trầu cau đẹp cả về hình thức, đầy đủ về nội dung là mục tiêu đầu tiên của mọi gia đình trong ngày cưới.

 

               5.2 Ý nghĩa mâm quả trà - rượu - đèn (nến) ngày cưới

                       Ông bà ta ngày xưa thường có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ hay và ý nghĩa. Chẳng hạn như câu ca dao “khách đến nhà không trà thì rượu”. Đúng thật là như vậy, một ấm trà thơm sẽ làm mọi người đến gần nhau hơn, một ly rượu cay nồng sẽ nâng cảm xúc khiến cho những cuộc vui thêm hào hứng.

 

                       Trong những cuộc vui, hội họp hay gặp mặt gia đình, bạn bè của người Việt đều không thể thiếu hai thứ nước này. Cùng nhấp chén trà, tay nâng ly rượu, ngồi quây quần bên nhau giữa những câu chuyện và những lời chúc tụng, cùng hi vọng về một tương lai mới đầy phước lành, sung túc, và thành công.

                       Trong mâm quả cưới có Trà và Rượu sẽ được dâng lên bàn thờ tổ tiên trong quá trình hai bên cử hành nghi thức. Hành động này mang ý nghĩa tâm linh, đó như là cách con cháu thể hiện lòng kính hiểu, nhớ đến ông bà tổ tiên. Vừa xin phép tổ tiên và mong tổ tiên chứng giám

độ trì cho đám cưới và đời sống gia đình của đôi trẻ được diễn ra vui vẻ, hạnh phúc.

 

                 5.3 Ý nghĩa mâm quả trái cây ngày cưới

                        Mâm quả trái cây thường dùng trong nghi lễ cưới hỏi gọi là “mâm ngũ quả”, nghĩa là năm loại trái cây khác nhau. Số 5 là biểu tượng ngũ hành, của sự hòa hợp âm dương, hòa hợp đất trời.

                      Mâm ngũ quả hay được dùng để thờ cúng tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách vào ngày tết. Việc chọn lựa các loại trái cây để bày trí trong mâm trái cây đám cưới thể hiện nguyện ước của gia đình dành cho cặp đôi. Đặc biệt là thông qua tên gọi của loại trái cây cũng như màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Vậy mâm ngũ quả gồm những gì? Tùy theo phong tục tập quán, quan niệm của từng địa phương mà mỗi miền lại có cách chọn mâm ngũ quả khác nhau.

                      Mâm trái cây ngày cưới của người miền Bắc thường bày trí gồm: Cam, Táo, Lê, Đào, Hồng. Còn người miền Nam thường kiêng kỵ những trái có tên mang ý nghĩa xấu như Lê (lê lết), Cam (quýt làm cam chịu), Lựu (“Lựu đạn), Táo (người Nam gọi là (bom) và không chọn những loại trái có vị cay, vị đắng nên mâm trái cây đám cưới của người miền Nam thường là: Xoài, Thanh Long, Nho, Mãng Cầu, Táo Mỹ đỏ. Tuy nhiên, bây giờ quan niệm về mâm quả trái cây không khắt khe như xưa, hai bên gia đình có thể bàn bạc trước với nhau, và thực hiện thuận theo ý muốn chung.

 

 

                5.4 Ý nghĩa mâm quả bánh phu thê ngày cưới

                        Bánh phu thê có thể được xem là một món bánh đặc sản mà vừa dân dã của người Việt. Chính vì vậy bánh phu thê đã trở nên phổ biến và có mặt ở cả ba miền. Nếu như ở miền Bắc, chiếc bánh có dạng hình tròn, vỏ ngoài và nhân bánh có màu sắc bắt mắt gói trong giấy bóng kính. Thì ở miền Trung và miền Nam, bánh phu thê khác cả về kiểu dáng lẫn màu sắc. Bánh có màu trắng, nhân bánh được làm bằng đậu xanh hoặc nhân dừa gói trong những chiếc hộp hình vuông, hình tam giác, hoặc lục giác được làm từ lá dừa, hoặc lá dứa.

 

                       Trong tiếng Hán thì “Phu” có nghĩa là “chồng” và “Thê” có nghĩa là vợ, nên người ta còn gọi đây là bánh vợ chồng. Bánh phu thê miền Bắc có hình tròn, là hình ảnh biểu tượng của bầu trời, tượng trưng cho cực dương. Trong khi đó, bánh phu thê miền Trung và miền Nam, là sự hài hòa của đất trời, thể hiện triết lý âm dương đồng thuận. Phần nhân được đặt gọn gàng trong phần bột thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình chồng, nghĩa vợ. Chiếc bánh chính là tượng trưng cho ước mơ về sự thủy chung, son sắt, bền chặt trong tình yêu.

 

                        Bên cạnh đó, triết lý ngũ hành cũng được thể hiện qua năm màu sắc có trong bánh, bao gồm: (1) màu trắng của bột lọc và cơm dừa, (2) màu vàng của nhân đỗ, (3) màu đen của hạt vừng, (4) màu xanh của lá và (5) màu đỏ của lạt buộc hay chữ Hỷ trang trí trên bánh. Dân gian xem đó chính là sự hài hòa của trời đất, sự kết hợp hoàn hảo của vợ chồng.

 

                5.5 Ý nghĩa mâm quả bánh cốm ngày cưới

                       Bánh cốm có hình tròn là biểu tượng của bầu trời, tượng trưng cho cực dương. Nếu trong ngày cưới có sự kết hợp của âm và dương sẽ tạo nên sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc cho cặp đôi sau này. Bánh cốm là loại bánh rất phổ biến trong các tráp ăn hỏi miền Bắc. Do yếu tổ địa lý, thời tiết, khí hậu, nên chỉ có các tỉnh miền Bắc mới sản xuất được bánh cốm, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Hồng, còn từ miền Trung trở vào Nam tuy cũng có bánh cốm nhưng không quá phổ biến.

 

               5.6 Ý nghĩa mâm quả bánh kem ngày cưới

                      Ngoài các loại bánh cưới truyền thống thì bánh kem cũng được nhiều gia đình lựa chọn cho vào bộ mâm quả ngày cưới. Sử dụng bánh kem thể hiện sự hòa nhập giữa văn hóa Phương Tây và Phương Đông. Không chỉ mang tính chất trang trí cho bộ mâm quả cưới, mà bánh kem còn giúp thể hiện cá tính của cặp đôi, thông qua cách chọn lựa các hoa văn, họa tiết trang trí bánh.

                     Cũng như thông qua hình ảnh bắt bánh kem dâng lên bàn thờ tổ tiên trước sự chứng kiến của quan viên hai họ, tượng trưng cho sự đồng lòng, cùng nhau chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Không chỉ đối với người Á Đông, mà ngay cả trong quan niệm Tây Phương cũng cho rằng bánh kem thể hiện mong muốn, cầu chúc cho tình yêu của hai vợ chồng luôn ngọt ngào như chiếc bánh.

 

 

               5.7 Ý nghĩa mâm quả xôi gấc (Gà) ngày cưới

                       Người Việt có quan niệm rằng màu đỏ là màu son, màu son là màu của điềm lành, của may mắn và hạnh phúc. Tuy xôi gấc có màu đỏ cam nhưng cũng được xem là màu son, hơn nữa đây lại là một loại nguyên liệu tự nhiên, không phẩm màu, vô cùng an toàn cho người sử dụng. Vì vậy, chọn xôi gấc trong mâm quả cưới ngoài vấn đề về an toàn thực phẩm sẽ có ý nghĩa cầu chúc sự may mắn đến với đôi vợ chồng mới cưới. Đồng thời ca ngợi sự son sắt, thuỷ chung của tình chồng nghĩa vợ.

                       Xôi Gấc trong mâm quả cưới hỏi thường được đóng thành năm hoặc sáu khuôn hình trái tim, phía trên có in hình chữ Hỷ bằng bột đậu xanh hoặc một khuôn lớn tròn như cái chén. Mâm xôi thường đi chung với một con gà trống thiển được luộc sẵn. Nếu đó là mâm xôi gấc không có gà thì thường là có sáu tim xôi, hoặc có thêm một con gà thì chỉ cần năm tim xôi. Biểu tượng con gà nằm trên mâm xôi gấc có ý nghĩa “gà đẻ trứng vàng”. Đây là một lời chúc mang đến sự sung túc và hạnh phúc cho hai vợ chồng.

 

 

               5.8 Ý nghĩa mâm quả heo quay ngày cưới

                        Theo quan điểm của phong thủy, con heo gọi theo cách của miền Nam hay là con lợn theo cách gọi của người ở miền Bắc thì luôn gợi lên hình ảnh thân thiện, vui vẻ bởi hình dáng tròn trịa, da dẻ căng bóng, hồng hào. Điều đó tượng trưng cho sự phát tài, phát lộc nên heo quay không chỉ được dùng làm sính lễ cưới hỏi, mà hầu hết trong các buổi khai trương, lễ động thổ người ta đều dùng heo quay để dâng lễ.

 

                        Trong quan niệm dân gian tin rằng việc cúng heo quay sẽ mang đến điều may mắn cho chủ nhà, cầu chúc cho sự thịnh vượng, giàu có. Đối với các gia đình vừa có dâu mới, rể mới thì cúng heo quay để cầu chúc cho khả năng sinh sản, cũng như thành công trong công việc. Bên cạnh đó, heo còn tượng trưng cho sự đầy đủ của thức ăn, niềm vui của vật chất, và sự an toàn trong nhà.

 

 

 

          6. Mâm quả đám hỏi, đám cưới miền Bắc gồm những gì?

                Có những cô dâu, chú rể là gốc người Bắc nhưng sinh ra và lớn lên ở miền Nam thì không có biết cách để chuẩn bị mâm quả cưới đúng chuẩn miền Bắc và họ thường có những thắc mắc như là: lễ ăn hỏi 3 tráp, 5 tráp, 7 tráp, 9 tráp, rồi 11 tráp gồm những gì.

                Vì thế, mình sẽ tư vấn cho bạn một số mẫu tráp ăn hỏi, tráp ăn cưới phù hợp với phong tục của người miền Bắc sau đây. Thứ tự tráp ăn hỏi cũng được ưu tiên từ trên xuống dưới luôn b

Tin tức khác