QUY TRÌNH TỔ CHỨC ĐÁM HỎI HAY LỄ ĐÍNH HÔN NHƯ THẾ NÀO LÀ CHUẨN?   

 

       

 

            Lễ đính hôn hay còn có tên gọi khác là Lễ Ăn Hỏi hay Đám Hỏi là một nghi lễ mà Nhà Trai sẽ mang sính lễ sang đàng gái để xin cưới Nàng Dâu trở thành một thành viên trong gia đình. Đây chính là dấu mốc quan trọng để chàng trao cho nàng chiếc nhẫn đính hôn trong ngày đặc biệt dưới sự chứng kiến và chung vui của đại diện hai bên gia đình.

Vậy, cả hai lễ đính hônLễ Ăn Hỏi đều là một nghi thức quan trọng trong phong tục cưới hỏi ở Việt Nam, và đều có chung ý nghĩa nhằm đánh dấu cho đôi trẻ được đính ước, trở thành vợ chồng của nhau trong tương lai. Điểm khác biệt duy nhất ở đây là tên gọi tùy thuộc theo vùng miền, miền Bắc sẽ gọi là Lễ Ăn Hỏi, còn miền Nam sẽ gọi là Lễ Đính Hôn hay Đám Hỏi.

           Việc gia đình hai bên quan tâm đến trình tự tổ chức và thực hiện theo một cách trang trọng sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp cho Lễ Cưới của hai bạn trẻ về sau. Hai bạn cùng Nhà Hàng Tiệc Cưới Hoàng Kim Biên Hòa cùng tìm hiểu xem một quy trình tổ chức buổi Lễ Đính hôn chu đáo mình sẽ làm những việc gì nha !

 

 

 

 

Nội Dung Bài Viết

  1. Quy trình tổ chức Lễ Đính Hôn gồm những gì?
  2. Nhà Trai tập trung trước giờ.
  3. Nhà Gái sửa soạn nghênh đón.
  4. Nhà Trai xin nhập gia.
  5. Thực hiện nghi lễ trao quả.
  6. Giới thiệu thành phần tham dự.
  7. Giới thiệu mục đích và sính lễ.
  8. Cô Dâu ra mắt hai họ.
  9. Chú Rể trao bông, trao nhẫn Đính Hôn.
  10. Thắp nhang ông bà tổ tiên.
  11. Hai nhà bàn bạc Hôn sự
  12. Hai bên gia đình cùng dùng bữa cơm thân mật
  13. Nhà Gái lại quả cho Nhà Trai.

 

 

1. Trình tự tổ chức Lễ Đính Hôn gồm những gì?

 

            Không có một quy định ràng buộc bao lâu thì phải tổ chức lễ cưới sau lễ đính hôn. Tuy nhiên, thường khoảng thời gian giữa lễ đính hôn và lễ cưới là từ 6 đến 12 tháng.

Đây cũng chính là khoảng thời gian đủ để gia đình 2 bên chuẩn bị lễ cưới cho đôi bạn trẻ sau khi làm lễ đính hôn. Ngày này nhiều gia đình gộp lễ đính hôn và lễ cưới vào cùng 1 ngày đề cử hành để tiết kiệm chi phí và thời gian.

           Khi hiểu đã hiểu rõ quy trình tổ chức Đám Hỏi hay Lễ Đính Hôn ra sao? Sẽ giúp hai gia đình có thể phối hợp tiến hành các bước lễ nghi truyền thống một cách thuận lợi, suôn sẻ. Cũng như bên phía Nhà Trai biết nên phải chuẩn bị lễ vật gì là phù hợp.

 

 

2. Nhà Trai tập trung trước giờ

 

           Căn cứ theo những thỏa thuận về ngày, giờ tổ chức đã được bàn bạc trong buổi Lễ Dạm Ngõ hay Đám Nói Nhà Trai kiểm tra lần cuối xem các món lễ vật Đính Hôn đã đầy đủ chưa, sửa soạn y phục chỉnh tề, tập trung trước ngõ Nhà Gái, hoặc tùy điều kiện về không gian mà có thể đứng cách Nhà Gái 100 – 200m chờ đến giờ lành để xin nhập gia và tiến hành nghi thức Lễ Đính Hôn. Nhà Trai nên đến trước giờ từ 15 – 30 phút để tránh tắc đường, kẹt xe hay những sự cố khác không mong muốn trên đường đi.

3. Nhà Gái Sửa Soạn nghênh đón

 

          Chương trình Lễ Đính Hôn được bắt đầu kể từ khi Nhà Gái nhận được thông báo đoàn Nhà Trai đã dừng xe trước ngõ, chờ đến giờ xin nhập gia. Lúc này, Nhà Gái phải hoàn tất việc chuẩn bị để sẵn sàng đón tiếp. Những người được phân công chào hỏi, đón tiếp như vị Chủ Hôn, đại diện Nhà Gái, dàn bưng quả nữ thì nên và ra đứng trước ngoài cổng, sắp xếp đội hình chỉnh tề, thành hàng ngay ngắn. Những người tham dự nhưng không phải đón tiếp thì ngồi an vị ở những vị trí được sắp xếp sẵn.

 

 

 

4. Nhà Trai xin nhập gia

 

         Đúng giờ lành, vị chủ Hôn Nhà Trai đi vào đầu tiên, theo sau là Chú Rể Phụ bưng khay trầu rượu lễ. Vị Chủ Hôn phía Nhà Gái đứng chờ sẵn ở cổng hoa, hai vị bắt tay chào hỏi và có đôi lời giới thiệu ngắn gọn rồi cả hai vị cùng vào trong nhà. Trước mặt ông bà và các thành viên Nhà Gái, đại diện Nhà Trai sẽ phát biểu xin phép cho Nhà Trai nhập gia để tiến hành các thủ tục Lễ Đính Hôn. Thay mặt cho họ hàng của Cô Dâu vị Chủ Hôn Nhà Gái sẽ phát biểu đồng ý, lúc đó rể phụ bưng khay rượu tới rót rượu mời. Hai vị Chủ Hôn nâng ly rồi bắt tay lần nữa, sau đó Chủ Hôn Nhà Trai quay trở ra thông báo và dẫn đoàn Nhà Trai cùng vào làm Lễ.

 

5. Thực hiện nghi lễ trao quả

 

          Đoàn Nhà Trai theo thứ tự là Ông Bà hoặc những bậc cao niên, Ba Mẹ, Chú Rể, dàn bưng quả nam, cùng các thành viên khác sẽ di chuyển đến trước cổng hoa Nhà Gái. Căn cứ trên đội hình đã sắp xếp sẵn của dàn bưng quả nữ, dàn bưng quả nam đứng đối diện tương ứng, hai bên thực hiện nghi thức trao quả sau khi nghe hiệu lệnh. Bên dàn bưng quả nữ nhận quả xong sẽ lùi về đứng ngay ngắn như ban đầu, đoàn Nhà Trai sẽ lần lượt đi qua cổng hoa để vào bên trong. Chỉ khi nào đoàn Nhà Trai đi vào hết, đội bưng quả nữ mới mang lễ vật theo sau, sắp xếp ở vị trí đã được chỉ định từ trước.

 

 

 

6. Giới thiệu thành phần tham dự

 

           Nhà Gái sẽ có người phục vụ trà nước, bánh kẹo trong thời gian hai bên gia đình ổn định vị trí, kế đến vị Chủ Hôn Nhà Trai sẽ đại diện để giới thiệu từng thành viên trong gia đình theo thứ tự từ người lớn tuổi, có vai vế cao cho đến nhỏ, rồi đến lượt Nhà Gái tiếp lời và cũng giới thiệu thành phần theo cách tương tự. Mục đích là để người lớn hai bên biết mặt, làm quen với nhau vì trong tương lai sẽ là họ hàng thông gia của nhau, vì vậy, cần người Chủ Hôn phải có tài ăn nói và chuẩn bị bài phát biểu Lễ Đính Hôn kỹ lưỡng. Khi mọi người đã yên vị để chờ đợi đến nghi lễ chính thức thì không gian xung quanh càng đẹp càng giúp bầu không khí thêm thoải mái và giữa hai gia đình cảm giác gần gũi hơn, vì vậy việc trang trí Lễ Đính Hôn đóng một vai trò quan trọng.

 

 

 

7. Giới thiệu mục đích và sính lễ

 

            Nhà Trai giới thiệu mục đích chính của phái đoàn đến đây hôm nay là để tiến hành các thủ tục làm Lễ Đính Hôn và xin được trình lên các món lễ vật Đính Hôn cho Nhà Gái kiểm chứng. Chủ Hôn Nhà Trai mời mẹ Cô Dâu hoặc một người đại diện lên để mở các mâm quả chứa sính lễ Đính Hôn, mở đến đâu thì giới thiệu đến đó giúp cho những người bà con ngồi bên dưới, hoặc ngồi xung quanh đều được tỏ tường.

            Tùy theo phong tục của mỗi gia đình mà ngoài các sính lễ Đính Hôn bắt buộc phải có như Trầu – Cau, Trà – Rượu – Đèn, Trái Cây, Bánh Phu Thê,... Mẹ Chồng còn tặng cho cô con dâu mới một bộ áo dài cưới. Trong trường hợp này, chiếc áo dài cũng được đặt trong mâm quả như là một phần của sính lễ.

 

 

 

8. Cô Dâu ra mắt hai họ

 

            Nhà Gái nhận lễ vật xong sẽ phát biểu đồng ý cho Nhà Trai tiến hành các nghi thức của Lễ Đính Hôn, đồng thời cho phép Cô Dâu được ra mắt trình diện hai họ. Tùy theo phong tục của từng nhà mà Cô Dâu sẽ được mẹ dắt tay từ trong buồng ra hoặc được Chú Rể vào đón tận nơi và cầm tay ra. Vừa xuất hiện, Cô Dâu nên cười tươi và cúi đầu chào hai họ cho phải phép, sau đó đứng nép vào một bên chờ nghe hướng dẫn tiếp theo của người lớn. Lưu ý, đối với những gia đình đạo Công Giáo sẽ chưa tiến hành bước trao bông, trao nhẫn, cho tặng vàng bạc, nữ trang... ngay mà cần thực hiện các nghi thức Tạ Ơn Thiên Chúa, Kính Nhớ Tổ Tiên, Lễ Mừng Cha Mẹ.

 

 

9. Chú Rể trao bông, trao nhẫn đính hôn

 

            Theo sự hướng dẫn của vị Chủ Hôn, Cô Dâu và Chú Rể mỗi người đang đứng một bên tiến bước đến gần nhau. Chú Rể trao tặng một bó hoa cho Cô Dâu cầm tay kế đến là đeo nhẫn Đính Hôn trước sự chứng kiến của đại diện hai bên gia đình. Đối với các gia đình kỹ lưỡng, hoa cầm tay Đám Hỏi do Cô Dâu tự chuẩn bị chứ không để cho Chú Rể cầm từ Nhà Trai sang Nhà Gái, làm như vậy nhằm tránh trao hoa cưới hai lần theo quan niệm của người xưa.

 

 

            Ngoài ra, Nhẫn Đính Hôn có vai trò quan trọng nên việc chọn lựa nhẫn được xem là một trong số những việc quan trọng cần làm trước Lễ Đính Hôn. Trước khi khởi hành Chú Rể cần lưu ý kiểm tra nhiều lần để chắc chắn có mang theo bên người. Sau khi nghi lễ trao nhẫn hoàn thành, Cha Mẹ Cô Dâu có thể lên tặng quà và phát biểu một vài lời dặn dò con gái cùng chàng rể.

           Nếu được Mẹ Chồng tặng áo dài, sau khi cặp đôi hoàn thành nghi thức trao nhẫn Đính Hôn, Cô Dâu sẽ xin phép vào trong thay phục trang mới nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo.

 

 

 

10. Thấp nhanh ông bà tổ tiên

 

           Cô Dâu Chú Rể sẽ cùng nhau bày biện lễ vật lấy từ trong bộ sính lễ chia ra các đĩa nhỏ để dâng lên bàn thờ gia tiên. Tùy theo diện tích của bàn thờ mà hai bạn sẽ bày đủ lễ vật do Nhà Trai mang sang hoặc chỉ một số món tượng trưng. Ưu tiên hàng đầu là phải có trầu cau, rồi mới đến những lễ vật khác. Trong quá trình bày mâm lễ, cả hai chỉ dùng tay không, không sử dụng dao kéo hay đồ vật nào khác để chia tách sính lễ, bao gồm cả việc bẻ cau.

 

 

           Bàn thờ để cử hành nghi thức trong Lễ Đính Hôn được gọi là bàn thờ vọng gia tiên do đội trang trí sắp xếp, không phải là bàn thờ chính của Ông Bà. Do đó, cặp đôi sẽ được phụ huynh nhà gái dẫn lên phòng thờ Ông Bà để báo cáo gia tiên, mong được Ông Bà chứng giám, phù hộ. Nghi thức này gọi là yết cáo gia tiên chỉ có cặp đôi và Cha Mẹ khẩn trước bàn thờ, không cần họ hàng phải tham dự. Tuy nhiên cần lưu ý nghi thức Lễ Đính Hôn của Công Giáo không nhất định phải tuân theo trình tự này mà sẽ thay đổi nhằm phù hợp cho từng gia đình.

 

 

 

11. Hai nhà bàn bạc hôn sự

 

            Phần sau của chương trình Lễ Đính Hôn tương đối thoải mái với hai bên gia đình, những bậc cao niên trong họ sẽ cùng ngồi lại để thống nhất ngày lành, tháng tốt tổ chức Đám Cưới cũng như là hình thức như thế nào và trình tự tổ chức Đám Cưới. Thông thường trước ngày làm Lễ Đính Hôn, bên Nhà Trai đã đi xem ngày lành tháng tốt cũng như chuẩn bị sẵn các phương án để trình bày, phía Nhà Gái chỉ lắng nghe xem có hợp tình hợp lý hay không để đưa ra ý kiến góp ý mà thôi. Trong lúc người lớn nói chuyện, hai bạn trẻ có thể ra trước Cổng Hoa để chụp ảnh kỹ niệm cùng người thân và bạn bè.

 

 

 

12. Hai bên gia đình cùng dùng bữa cơm thân mật

 

            Theo truyền thống thì Nhà Gái sẽ mời đại diện nhà trai ở lại sau buổi lễ để cùng dùng bữa cơm thân mật với bên Nhà Gái. Bữa cơm này có thể tổ chức tại tư gia hoặc đặt tại một nhà hàng hoặc quán ăn nào đó, miễn sao thuận tiện cho hai bên là được. Vì không phải gia đình nào cũng có khoảng không gian đủ rộng để tụ họp nhau.

Bữa ăn này không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy nhưng cũng cần tươm tất cổ 5 hoặc 7 món nhằm thể hiện sự hiếu khách và tài nữ công gia chánh của nhà gái, hoặc có thể ra nhà hàng cũng không là vấn đề gì. Bữa cơm thân tình nhằm tăng cường tình cảm giữa hai gia đình. Đây cũng được xem là một cách để gia đình Nhà Gái thể hiện lòng biết ơn đến gia đình Nhà Trai về sự dưỡng dục chăm sóc để hôm nay Nhà Gái có được chàng Rể hiền.

 

 

13. Nhà Gái lại quả cho Nhà Trai

 

           Theo đúng phong tục, Nhà Gái sẽ mang mâm quả ra phía sau nhà để sắp xếp, phân chia lại một phần lễ vật cho Nhà Trai mang về, gọi là “lại quả”. Không có quy định cụ thể về việc Nhà Gái phải lại quả cho Nhà Trai bao nhiêu, nhưng thông thường là chia phân nửa.

          Tuy nhiên, có một lưu ý nhỏ là khi chia sính lễ ra lại quả tuyệt đối không được dùng kéo cắt mà phải xé bằng tay. Đồ lại quả phải là số chẵn và khi Nhà Gái trả lại mâm quả phải để ngửa nắp lên không nên đóng nắp lại. Và trao phong bao lì xì cho đội bê tráp. Số tiền trả duyên này nên được hai nhà thống nhất từ trước.

 

 

          Để chuẩn bị cho nghi thức trả quả, hai đội bưng quả nam nữ cũng xếp hàng ngay ngắn như khi trao quả, có Cô Dâu Chú Rể cùng đứng giữa trước cổng hoa, sau hiệu lệnh hai bên cùng tiến tới, một bên trao một bên nhận. Sau đó có thể Cô Dâu Chú Rể sẽ trao những phong bao lì xì cho các bạn bưng quả như một lời cảm ơn và chia sẻ sự may mắn, như vậy là hoàn thành lễ trả quả.

 

 

         Bài viết trên của Nhà Hàng Tiệc Cưới Hoàng Kim Biên Hòa là tất cả những gì bạn cần nếu muốn hiểu rõ Quy Trình tổ chức Lễ Đính Hôn hay Đám Hỏi Như Thế Nào Là Chuẩn? Buổi Lễ Đính Hôn chỉ kéo dài trong khoảng 45-60 phút. Cùng với những thủ tục không quá phức tạp, nhất là khi có các vị Chủ Hôn đứng ra chủ trì và hướng dẫn thì bạn càng không có lý do gì để lo lắng. Chúc hai bạn thành công.

Nhà Hàng Tiệc Cưới Hoàng Kim Biên Hòa

Tin tức khác